Một số kiến thức chuyên môn về bệnh tăng tiết mồ hôi
Những thông tin về bệnh tăng tiết mồ hôi trong việc điều trị mồ hôi dưới đây được hỗ trợ chuyên môn bởi bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa - Tiết niệu - phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi - Bệnh viện Vinmec.
Tăng tiết mồ hôi là hiện tượng ra nhiều mồ hôi quá mức ở những vùng mà người bình thường không ra mồ hôi hoặc nếu có ra thì ở mức rất nhỏ, không gây ảnh hưởng cuộc sống. Còn chứng tăng tiết mồ hôi là hiện tượng ra mồ hôi nhiều khiến người bệnh cảm thấy cuộc sống, công việc và giao tiếp của mình bị ảnh hưởng.
Cơ chế tiết mồ hôi: Mồ hôi được sản xuất bởi các tuyến nằm ở lớp hạ bì lớp của da, giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ. Tuyến mồ hôi được tìm thấy trên khắp cơ thể, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là xung quanh khu vực trán, nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc (ướt tất cả vật dụng mà người bệnh cầm).
Bệnh tăng tiết mồ hôi có 2 loại: Nguyên phát và thứ phát.
Chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Nguyên nhân của tăng tiết mồ hôi nguyên phát không bắt nguồn từ bệnh lý nào trong cơ thể. Thường thì không tìm được nguyên nhân, nhất là người có tiền sử gia đình bị bệnh tăng tiết mồ hôi. Việc ra nhiều mồ hôi bất thường làm cho người bệnh khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp và làm việc.
Bệnh tăng tiết mồ hôi làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp và làm việc
Chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường gặp ở người bị bệnh cường giáp.
Cường giáp là tình trạng lượng hormone tuyến giáp tăng quá mức trong máu. Chúng làm đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều. Những dấu hiệu thường thấy của bệnh cường giáp như cảm giác nóng trong người, hay cáu gắt khó chịu, tăng sự thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và gặp khó khăn trong giấc ngủ.
- Tăng tiết mồ hôi mặt hay đỏ mặt: Mồ hôi mặt ra nhiều khiến bệnh nhân thấy khó chịu. Bệnh nhân cũng thường có những cơn đỏ mặt, nhất là khi có ai trêu chọc, làm ảnh hưởng khi giao tiếp.
- Tăng tiết mồ hôi tay: Khi bệnh nhân có biểu hiện lo lắng thì bàn tay ra khá nhiều nhiều mồ hôi. Do bàn tay là phần quan trọng trong tiếp xúc với xã hội hay nghề nghiệp nên nhiều bệnh nhân bị tự kỷ và tránh tiếp xúc, miễn cưỡng trong bắt tay, hạn chế làm việc liên quan giấy tờ, không viết được hay làm nhoè mực... hoặc có thể bối rối khi nắm tay, bắt tay người khác.
- Tăng tiết mồ hôi nách, bàn chân và những nơi khác gây mùi khó chịu.
Các giải pháp điều trị ra mồ hôi nhiều cơ bản hiện nay:
- Chất chống tiết mồ hôi (Antiperspirants): Đây là những loại thuốc điều trị đơn giản và được khuyến cáo dùng đầu tiên, được sử dụng cho những bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nhẹ hay vừa. Các loại có thể có trên thị trường: Drysol, ArmsUp, Odaban, Mitchum Clear Gel Sport
- Thuốc: Thuốc chủ yếu được sử dụng là loại chống giao cảm (anticholinergic), có hay không có thuốc an thần. Chúng thường được dùng trong tăng tiết mồ hôi chung (thân, bẹn, đùi, đầu ...). Thuốc thường dùng là Propantheline bromua, Propranolol SR ...
- Chuyển ion (Drionics machine - điện di ion): Đây là phương pháp được áp dụng khi việc sử dụng các phương pháp nhẹ nhàng, ít tốn kém mà không đem lại kết quả. Phương thức điều trị là áp dòng điện cường độ thấp vào tay hay chân bệnh nhân trong nước máy vài lần trong tuần. Kết quả là bệnh nhân sẽ khô trong vài tuần. Hiệu quả điều trị cao, an toàn. Nhược điểm là phải thường xuyên dùng lại theo liệu trình như 1 tuần 1 lần hoặc 1 tháng 1 lần. Phương pháp này đã áp dụng tại Bệnh viện Da liễu TP HCM và Bệnh viện Việt Pháp và hiện chỉ điều trị tăng tiết mồ hôi tay, chân, nách. Ở Việt Nam cũng đã có văn phòng đại diện hãng Dermadry của Canada chuyên về thiết bị chữa ra mồ hôi này.
- Chích Botulinum: Botulinum là chất được sản xuất từ vi khuẩn Clostridium Botulinum, có tác động lên chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholine) tại điểm tiếp hợp. Thuốc được dùng để điều trị tăng tiết mồ hôi do tác dụng làm liệt dây giao cảm tiết mồ hôi, bằng cách chích vào nách hay bàn tay. Tác dụng có tính tạm thời và phải tiêm hơn hai lần trong một năm nên chi phí điều trị thường cao.
Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực chi phối việc tăng tiết mồ hôi
Ngoài các phương pháp điều trị trên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang ứng dụng kỹ thuật “ Nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực” trong điều trị tăng tiết mồ hôi: Đây là kỹ thuật mới được áp dụng trong một vài năm trở lại đây và đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho người bệnh. Phẫu thuật chỉ được áp dụng cho người trên 18 tuổi.
Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực hay còn gọi cắt hạch giao cảm là phẫu thuật nhằm phá hủy hạch giao cảm hoặc chuỗi liên kết hạch chi phối việc tăng tiết mồ hôi. Phẫu thuật được thực hiện thường quy dưới gây mê toàn thân. Cụ thể phẫu thuật thực hiện với 2-3 đường rạch da nhỏ 0.5 cm ở hai bên thành ngực dưới hõm nách để không nhìn thấy sẹo, đảm bảo tốt nhất về mặt thẩm mỹ. Hạch giao cảm ngực được che phủ bởi lớp mỏng của màng phổi trong suốt, do vậy có thể thấy dễ dàng dưới camera nội soi. Sau đó phẫu thuật viên sử dụng móc điện đốt và cắt các hạch giao cảm từ đốt sống ngực thứ 2 đến sống ngực thứ 3 (thuật ngữ chuyên môn gọi là T2–>T3) cho các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi ở bàn tay; T2 - T4 cho những bệnh nhân có tình trạng tăng tiết mồ hôi ở nách.
Đây là phương pháp đem đến hiệu quả điều trị khô ở tay rất thành công và cho hiệu quả cao. Tỷ lệ tái phát toàn cầu [của Bệnh Tăng tiết mồ hôi sau ETS] là 8,8%: 6,6% đối với Bệnh Tăng tiết mồ hôi tay và 6.5% cho Bệnh Tăng tiết mồ hôi nách. Tỷ lệ ra bù trừ ở những vùng khác sau mổ là 80-90% và vẫn đang là yếu tố gây ra tình trạng không hài lòng với phương pháp này.
Ở Châu Á và vùng Trung Đông, tỷ lệ không hài lòng với mức bù trừ là cao nhất do là vùng có khí hậu nóng. Trong tài liệu thống kê này ghi rõ tỷ lệ hài lòng sau mổ đã giảm từ 96% sau mổ xuống còn 67% ở tại các nước khí hậu lạnh. Các vùng Châu Á và Trung Đông, con số này giảm xuống chỉ còn 50-60% sau mổ 5-15 năm *
Tuy nhiên về mặt đánh giá chuyên môn thì Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm cần được tư vấn kỹ bởi những rủi ro mà người bệnh sẽ phải đối diện sau khi phẫu thuật. Bạn cần chắc chắn trước khi quyết định mổ rằng mình đã thử dùng qua các phương pháp trị liệu để bảo tồn dây thần kinh thay vì mổ như: dùng lăn xịt, thuốc chống mồ hôi, thử ngâm máy điện di ion chữa ra mồ hôi, botox.... vì chúng tôi mong muốn bạn nhận thức đầy đủ những rủi ro bạn có thể gặp phải sau khi mổ. Vì sau khi mổ những rủi ro đó là không thể khắc phục.
* Nguồn: Herbst F, Plas EG, Fugger R, Fritsch A. Endoscopic thoracic sympathectomy for primary hyperhidrosis of the upper limbs. A critical analysis and long-term results of 480 operations. Ann Surg. 1994;220:86-90.
Xem thêm:
- Hỏi đáp về Tăng tiết mồ hôi và Điện di ion 26/04/2019
- Giải pháp chữa tăng tiết ra mồ hôi ở nách 24/04/2019
- Chữa ra mồ hôi tay chân hiệu quả nhất hiện nay 23/04/2019
- Các máy điều trị ra mồ hôi tay chân bằng điện di ion 02/04/2019