Nên cắt tuyến mồ hôi khi nào
Rất nhiều bạn lo lắng về vấn đề chữa hôi nách thì khi cắt hạch giao cảm thì sẽ bị bù trừ sang vùng khác trên cơ thể. TS Đinh Văn Trực (Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) sẽ trả lời cho bạn rõ và cho biết đây là một sự hiểu lầm.
Cần phân biệt bệnh hôi nách và tình trạng tăng tiết mồ hôi
Chị Mai Hồng ở Trực Ninh, Nam Định cho biết, chị gái của chị đã từng đi mổ cắt tuyến mồ hôi ở nách vì vùng nách ra quá nhiều mồ hôi. Sau mổ chị ấy khá hài lòng vì mồ hôi ở nách không ra ướt áo nữa nhưng mồ hôi lại tập trung ở vùng kín và chân.
Tương tự trên một diễn đàn, một bạn giấu tên K.Linh cho biết, đã từng đi phẫu thuật vì bị ra mồ hôi ở lòng bàn tay quá nhiều. Giờ tay không ra mồ hôi nữa nhưng lại bị ra nhiều ở ngực, lưng, bất tiện trong việc mặc đồ, đặc biệt là vào mùa hè. Còn bạn T. An lại viết: “Sau khi cắt tuyến mồ hôi nách, thì da tay, cổ cũng trở nên khô nhám hơn, không còn mịn màng nữa. Hạn chế mồ hôi ra ở chỗ này thì nó sẽ ra chỗ khác. Con thầy giáo mình cũng mổ để khắc phục vụ mồ hôi tay nên giờ lúc nào thân cũng ướt đẫm, nó kêu rầm vì khó chịu”…
Theo TS Đinh Văn Trực - Phó trưởng khoa Ngoại chung - Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì ở đây có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “phẫu thuật chữa hôi nách” và “phẫu thuật chữa mồ hôi tay, mồ hôi chân”. Mọi người không phân biệt được nên đã đánh đồng hai khái niệm đó là một. Thực tế, ra mồ hôi tay, mồ hôi chân, mồ hôi nách là chứng tăng tiết mồ hôi (gọi là chứng chứ không phải là bệnh). Ví dụ, người mắc chứng này, một ngày tiết 1 lít mồ hôi thì nó phải tiết đủ từng đó. Nếu phẫu thuật ngăn ở tay, nó sẽ tiết ra ở chỗ khác như những trường hợp đã nêu ở trên. Đây là chứng tăng tiết mồ hôi, hoàn toàn khác với bệnh hôi nách. Còn hôi nách là bệnh. Bệnh hôi nách như đã nêu trong số báo trước là do nhiễm vi khuẩn gây viêm tuyến hôi nách mãn tính.
Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học, TPHCM), bệnh tăng tiết mồ hôi có thể xảy ra ở lòng bàn tay, bàn chân, nách, háng và cả mặt. Nguyên nhân chưa được xác định rõ nhưng bệnh gây kích thích các hạch thần kinh giao cảm và gây tăng tiết quá mức mồ hôi ra ngoài da. Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân nên tự điều trị. Đây là bệnh tác động thông qua hệ thần kinh giao cảm nên điều quan trọng là người bệnh cần phải tập luyện ổn định về thần kinh tâm lý, tránh những xúc cảm về tinh thần như lo lắng, sợ hãi… quá mức. Bệnh nhân có thể tập thiền, yoga. Phẫu thuật chỉ là phương pháp cuối cùng với rủi ro cao nên chỉ áp dụng khi việc tự điều trị không thành công. Ông cũng cho biết thêm là hiện nay thế giới đã ứng dụng phương pháp điện di ion tự điều trị tại nhà rất hiệu quả. Tại viện Da liễu, Việt Pháp, 108 hay Vinmec cũng đang áp dụng phương pháp này và người bị tăng tiết mồ hôi có thể tự mua các thiết bị điện di ion về để điều trị. Lời khuyên là nên mua các máy chính hãng để đảm bảo an toàn về điện cũng như an toàn sức khỏe hệ cơ khớp, dây thần kinh để tránh những hậu quá đáng tiếc có thể xảy ra.
Cắt mổ hạch giao cảm được bác sĩ khuyên là phương án cuối cùng sau khi tự điều trị thất bại
Một số lưu ý khi phẫu thuật
TS Đinh Văn Trực cho biết, vùng nách giống như một vạt ruộng lớn gồm rất nhiều tuyến mồ hôi. Mỗi tuyến mồ hôi có thể ví như một cái cây cắm vào vạt ruộng đó. Phẫu thuật trị bệnh hôi nách là mổ để bứng các hệ thống tuyến mồ hôi bị viêm nhiễm đi, sau đó tạo hình lại da nách.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, ở Việt Nam hiện nay thường áp dụng phương pháp cắt tuyến mồ hôi tại chỗ (phẫu thuật Skooge), tức là cắt bỏ gần hết tuyến mồ hôi dưới da vùng nách, tỷ lệ thành công là 75%; tỷ lệ biến chứng: Sẹo xấu, sẹo lồi, nhiễm trùng vết mổ, hoại tử da… chiếm 13%, nhưng biến chứng thường nhẹ và có thể xử lý được. Chi phí điều trị theo phương pháp phẫu thuật này khoảng 10-12 triệu đồng.
Ngoài lý do nhầm lẫn dẫn đến đánh đồng chứng tăng tiết mồ hôi và bệnh hôi nách thì còn một vấn đề mà người bị bệnh hôi nách cần phải lưu ý, đó là hiện nay nhiều trung tâm thẩm mỹ quảng cáo mổ laser theo phương pháp của Nhật Bản và Hàn Quốc. “Họ quảng bá rất hay, rất hiệu quả nhưng thực tế thì không được như vậy. Thực chất phương pháp mổ laser này chỉ chích ngang và lấy được rất ít “gốc cây” tuyến mồ hôi trong “vạt ruộng chi chít” các tuyến mồ hôi đã cắm rễ sâu ở vùng nách. Khi phương pháp mổ chưa triệt để, các tuyến mồ hôi bị viêm vẫn còn lại đó. Do vậy, phương pháp này chỉ giảm được phần nào mùi hôi chứ không triệt tiêu được gần như hoàn toàn. Ngoài ra, mổ laser cũng dễ dẫn đến áp xe, gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Có trường hợp bệnh nhân sau mổ lasrer bị áp xe thành từng hạt mụn cứng ở nách, nặn ra có mùi thối như trứng gà ung”, TS Đinh Văn Trực khuyến cáo.
Theo Mạc Vi - Gia đình (Dân trí)
Xem thêm: